Post view

Startup Việt: từ "Ngộ nhận" đến mãi "Mông lung"

Sau bài phỏng vấn của ông Trương Gia Bình trong đó ông giải thích rất sát nghĩa hai chữ “khởi nghiệp” nhưng lại nhận nhiều phản đối trên mạng xã hội, phải chăng người Việt đúng là đang có sự ngộ nhận rất lớn về ý nghĩa của từ này. Vậy "Khởi nghiệp" ở Việt Nam có phải chính xác như những gì Quốc tế định nghĩa về "Startup"




1.Từ sự không rạch ròi từ ngữ


a. Viết sai & dịch sai

Thậm chí chúng ta còn viết sai chữ startup thành start-up hay start up. Trong tiếng Anh:
"Start up" là một động từ có nghĩa là bắt đầu lên.
"start-up" là một danh từ định nghĩa giai đoạn doanh nghiệp mới thành lập.
"Startup" là một danh từ cho loại hình doanh nghiệp.
Có lẽ người Việt đang lẫn lộn giữa start-up và startup chăng ?

b. Định nghĩa và yếu tố then chốt trong định nghĩa Khởi nghiệp

Định nghĩa chính xác của chữ “khởi nghiệp” vẫn còn đang được tranh cãi. Tuy nhiên ở ý chính, hầu hết các định nghĩa đều giống như cách Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Nhỏ Tại Mỹ mô tả: “Khởi nghiệp thường là doanh nghiệp về công nghệ, có tiềm năng tăng trưởng cao”. “Tăng trưởng cao” ở đây có nghĩa là tăng doanh thu, tăng số nhân viên và nhân rộng mô hình ra thị trường lớn hơn từng ngày.

Sức tăng trưởng cao của khởi nghiệp đến từ khả năng “phá vỡ” hoặc thay đổi cách hoạt động của thị trường hiện tại (disruptive).

Bạn mở hãng taxi, đó không phải gọi là khởi nghiệp vì thị trường taxi truyền thống đã được thiết lập lâu đời. Bạn có thể “sáng tạo” bằng cách cho ra đoàn taxi toàn xe Mercedes, nhưng đó vẫn chưa phải là khởi nghiệp.

Nhưng nếu bạn mở ra Uber thì đó là khởi nghiệp. Uber có tiềm năng tăng trưởng rất cao vì biến mọi chiếc xe trên thế giới trở thành taxi của mình, và mô hình đó có thể “copy và paste” ở khắp thế giới. Kết quả là Uber đang phá vỡ (disrupt) thị trường taxi tại nhiều quốc gia.

Tương tự, AirBnB đang phá vỡ thị trường khách sạn, Amazon đang thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm, v.v…

c. Đừng hiểu nhầm hai chữ "CÔNG NGHỆ"

Khi nói đến công nghệ (technology), đa số mọi người đều nghĩ đến IT hay máy móc. Chúng ta nên hiểu rộng ra công nghệ là những sáng tạo hoặc cải cách mới mẻ chưa từng xuất hiện trước đây.
Ngoài IT (Infotech – công nghệ thông tin), khởi nghiệp có thể thuộc các lãnh vực khác như:
- Biotech (công nghệ sinh học)
- Foodtech (công nghệ ẩm thực)
- Fintech (Công nghệ tài chính)
- Teaching Tech (công nghệ giảng dạy), v.v…
Vậy nếu bạn phát minh ra thuốc chữa bệnh mới, cách dạy học mới, món ăn mới và tung ra thị trường thương mại thì đó chính là khởi nghiệp. Vì những sáng tạo mới mẻ này có khả năng thống trị thị trường hiện tại. Ngược lại, một nhà hàng tại Sài Gòn mặc dù được “IT hóa” với website và apps, nhưng bản chất nó vẫn chỉ để phục vụ vài trăm khách mỗi ngày, thị trường bị giới hạn bởi địa lý và kích thước của nhà hàng. Đây không phải là khởi nghiệp!

2. Đi đến Ngộ nhận


a. Khởi nghiệp và lập nghiệp đang bị lẫn lộn và mất kiểm soát?

Hiện nay báo chí và các doanh nhân thường định nghĩa “khởi nghiệp” là “startup”. Vậy chúng ta nên tuân theo khái niệm “startup” của quốc tế với những yếu tố đã kể ở trên.
Nếu chúng ta coi một sinh viên mở quán trà chanh chém gió, cơm tấm, cà phê cũng đều là khởi nghiệp, vậy hóa ra các quỹ đầu tư phải vội vàng vào VN và chính phủ cũng đang tung tiền ra hỗ trợ cuối cùng cũng chỉ để kêu gọi phong trào mở trà chanh, cà phê thôi à ?
Nếu chúng ta cảm thấy đang định nghĩa sai về “startup”, vậy thì cần lắm một định nghĩa mới chính xác và cập nhật hơn.

b. Mở tiệm cafe ở Việt Nam có được coi là Khởi nghiệp?

Bạn vẫn có thể khởi nghiệp với cà phê, nhưng nếu bạn mở tiệm cà phê kiểu truyền thống, đó không phải là khởi nghiệp. Bạn có thể tạo khác biệt bằng cách tuyển nhân viên toàn người mẫu chân dài, hay biến quán cà phê thành kỳ quan thế giới, nhưng đó vẫn không phải là khởi nghiệp. Có thể doanh thu của bạn tăng cao, trong 1 năm ra đời thêm 1 tiệm, 5 năm sau sẽ có 10 tiệm, đó có thể được gọi là “đế chế”, franchise, chuỗi cà phê, v.v… nhưng không phải là khởi nghiệp. Vì yếu tố “disruptive” vẫn còn thiếu và tăng trưởng vẫn chưa đủ cao.

Nhưng nếu bạn tạo ra một mô hình tiệm cà phê hoàn toàn mới chưa đâu có, và có thể nhân rộng ra hàng trăm phiên bản trong vòng vài năm thì đó là khởi nghiệp. Đây là hai ví dụ giả định của khởi nghiệp cà phê:

1. Tạo apps giúp người dùng đặt mua cà phê giao tận nhà/văn phòng. Bạn có thể là nhà cung cấp cà phê, hoặc kết nối các tiệm cà phê ăn huê hồng. Trong thời gian ngắn, apps có thể hoạt động cả quốc gia. Nếu thành công, mô hình và apps này có thể nhân rộng ra toàn thế giới trong vòng vài năm. (Lời bình: Bạn có thể bán cả triệu ly cà phê mỗi ngày, và thay đổi cách vận hành của thị trường cà phê).

2. Tạo một website kết nối những người thích uống cà phê mỗi sáng. Với một nhóm khoảng 100 nghìn người đăng ký mua cà phê một lúc sẽ đem lại giá cả rẻ hơn 40%, tiết kiệm rất nhiều tiền cho người dùng.

c. Phở 24 "KHÔNG PHẢI LÀ KHỞI NGHIỆP"?

Có một đầu bếp người Anh tên Neil Broomfield, đã biến món phở VN thành món bánh pie-phở. Lý do vì ông thích ăn phở, nhưng muốn ăn phở thì phải ra nhà hàng ngồi ăn rất bất tiện. Ông đã chế ra bánh pie nhân phở (đầy đủ thịt, nước và hương vị), dễ vận chuyển, dễ đông lạnh và hâm nóng lên ăn chỉ trong vòng 5 phút. Bạn cũng có thể vừa đi dã ngoại vừa nhâm nhi món pie phở hoặc biến nó thành một món fast food kiểu McDonald. Ông này cho sản xuất hàng loạt số lượng lớn pie phở và xuất khẩu đi khắp nơi. Món pie phở đã được ông Neil đăng ký bằng sáng chế, không công ty nào có quyền bắt chước trừ khi là được licensing trả tiền hoa hồng. Đây chính là khởi nghiệp!

Phở 24 là một doanh nghiệp thành công. Họ đã "đột phá" khi đem phở lên internet, tạo ra một dịch vụ rất tiện dụng được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng khi khám phá các món Phở "của họ". Nhưng tại sao họ không phải là một Khởi Nghiệp? Để trả lời câu hỏi này ta sẽ quay lại vấn đề về cafe ở Việt Nam, ở đây thay vì "tuyển dụng chân dài" họ đã kích thích mua sắm bằng ứng dụng Internet và làm thương hiệu. Thay vì mở chuỗi cafe, họ mở chuỗi cửa hàng Phở và không còn gì khác. Nếu như Phở 24 là một mạng xã hội về Phở, hoặc một ứng dụng Android giúp người dùng chế biến Phở mà chỉ cần những nguyên liệu bất kì sẵn có trong tủ lạnh, mọi chuyện sẽ khác.

d. Tại sao cần rạch ròi giữa Khởi nghiệp và Lập nghiệp?

Hiện nay các quỹ chính phủ và quỹ đầu tư đang góp vốn vào các khởi nghiệp, Nếu hiểu sai nghĩa của khởi nghiệp, nhiều người sẽ tốn công sức, tuổi xuân, tiền bạc mà lại đi sai mục đích. Ngoài ra, nếu định nghĩa “khởi nghiệp” khác với thế giới, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi gọi vốn cũng như giao tiếp với quốc tế.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp và lập nghiệp là 2 doanh nghiệp khác nhau hoàn toàn về: Tư duy, hệ thống, ý tưởng, vận hành, quản trị và tầm nhìn. Phải hiểu rõ khởi nghiệp để chúng ta có kế hoạch và chiến lược chính xác.

3. CỨ MÃI MÔNG LUNG


Nói đến chuyện mông lung trong vấn đề khởi nghiệp thì đến cả chính phủ còn loay hoay huống chi cá nhân nào đó. Có phải chỉ vì hiểu sai về hai chữ "khởi nghiệp" mà dẫn đến chất lượng Startup của Việt Nam chưa cao? hay còn những nguyên nhân nào khác?

a. "Startup Việt" đang làm gì?

Từng có thời gian tìm hiểu các cộng đồng "khởi nghiệp trẻ" trên cả trên Mạng xã hội  lẫn chuyên nghiệp. Hội thảo có, dự án có, "chiến lược phát triển" có, được cố vấn hỗ trợ từ những đơn vị được xem là thành công thậm chí đầu tàu cũng có... và... KĨ NĂNG BÁN HÀNG và QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP là tất cả những gì chúng ta bàn luận, rất ít hoặc không có các đề tài nghiên cứu chuyên sâu trên các diễn đàn này, nếu không muốn nói đến những chia sẻ hết sức "Làm giàu không khó". ..vv

Nhưng sẽ ra sao nếu cái ta sai là ngay từ khâu đầu tiên, ngay từ việc định hình ý tưởng, những kĩ năng ấy thực sự còn cách ta một khoảng thời gian, tiền bạc rất xa (và nếu "chẳng may" ta thành công với ý tưởng của mình)

Thay vì bắt gặp những nhóm sinh viên nghiên cứu chuyên sâu và có các dự án đẳng cấp, khoa học như các nước phát triển, ta sẽ nhìn thấy nhiều hơn những câu lạc bộ kinh doanh ở Việt Nam, các kế hoạch cho "tiệm bánh mỳ sinh viên" , những shop thời trang online, web buôn hàng Quảng Châu... Có phải vì ta giỏi những thứ ấy hơn họ, hay họ không cần làm những thứ ấy? Câu trả lới là: những thứ ấy đâu phải là khởi nghiệp!

b. Gương "danh nhân bỏ học giữa chừng"

Thật hài hước khi một người bỏ học giữa chừng và "chưa thành công" như mình lại đi bình xét chủ đề này, nhưng hi vọng người hiểu vẫn sẽ hiểu.

Một yếu tố khác khiến các bạn trẻ mông lung đó là suốt khoảng thời gian dài, hàng loạt chia sẻ về các tỷ phú bỏ học được truyền nhau trên Internet. Điều này gây nên cơn sóng ngay tức thì với dư luận đặc biệt là ảnh hưởng đến tư tưởng của giới trẻ. Bill Gates bỏ học khi là một sinh viên giỏi của một trường đại học danh tín ở Mỹ, Mark Zuckerberg viết phần mềm từ năm 11 tuổi còn Steve Jobs thì khỏi phải nói...vv Rất nhiều danh nhân thành công với một lí lịch "bỏ học giữa chừng" nhưng có một điểm chung không thể chối cãi - họ đều là những tài năng trong lĩnh vực của họ và không ngừng học hỏi ngay cả khi thôi học. Tìm hiểu về họ có thể rất thú vị và đầy cảm hứng, nhưng để bỏ học và làm như họ mình cho là không hay ho chút nào, đơn giản vì ta KHÔNG PHẢI NHỮNG THIÊN TÀI và mình thì đến giờ vẫn còn đang... thất nghiệp :))

c. Cuộc xâm chiếm của những cuốn sách "Dạy làm giàu"

Có thể nói rất rất ít người kinh doanh mà không đọc chúng, các bạn trẻ share chúng kèm theo những Quyết tâmLời hứa với bản thân trên... mạng xã hội. Có thể nói, chúng như những món ăn tinh thần không thể thiếu cho các khởi nghiệp của ta, cái mà bạn không để ý là mỗi câu chữ, mỗi một cuốn sách bạn đọc tạo nên - gọi là gì được nhỉ - những cảm xúc dâng trào trong bạn, tất nhiên rồi, họ đang bán sách mà.

Các diễn giả thì sao? Với các cách training cũng không kém mùi self help, các vị ấy cũng đang có hàng ngàn lượt follow trên facebook, vẫn hằng ngày "truyền lửa" và "tạo cảm hứng" cho cộng đồng "lao động hăng say", "vượt lên số phận" :))

Nhưng để bắt tay vào tạo một chuỗi giao diện blogspot đẹp, thân thiện và cho phép người dùng dễ dàng cài đặt thì mình vẫn chưa biết phải làm thế nào. Chưa kể đến việc truyền thông rộng rãi về tác dụng to lớn mà Blog mang lại ra cộng đồng nữa, khá khó phải không? Đấy, chính mình cũng đang mông lung đấy thôi và những cuốn sách hay diễn giả kia chẳng thể giúp gì vào lúc này - ví dụ hóm hỉnh :)

d. Xem ra vẫn có cách lí giải khác

Khởi nghiệp có nghĩa là bạn phải làm việc không lương và nguy cơ rủi ro đến gần như là hoàn toàn. Điều này đặc biệt đúng khi nó ở Việt Nam, khi mà không có một chương trình đào tạo nào được xem như sổ tay, lộ trình hoặc cái nôi cho một doanh nghiệp khởi nghiệp, không hệ sinh thái, không phong trào chất lượng có tầm ảnh hưởng lớn, thậm chí Startup còn được xem như điên rồ và đặc biệt là KHÔNG VỐN.

Đúng vậy, chính vì thiếu các yếu tố trên nên không còn cách nào khác ngoài việc tự mò mẫm lấy kinh nghiệm với hi vọng tích lũy được chút vốn, và kinh doanh lại là một lựa chọn hàng đầu.

Mình có anh bạn, có thể nói là máu me ra trò, anh ta kể về việc vừa đi làm thuê vừa tiết kiệm tiền kinh doanh riêng vừa lên kế hoạch để khởi nghiệp. Chưa cần biết dự án của anh ta thế nào nhưng xem ra khả năng anh ta thành công là khả thi hơn đại đa số. Nếu mỗi buổi tối anh ta dành ra một khoảng thời gian để tự học nữa thì còn gì bằng. Thay vì mông lung, bạn có thể xem anh ấy như một gợi ý. Đó là cách giải quyết khôn ngoan để bạn có được cả kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là CÓ VỐN BAN ĐẦU

4. LỜI KẾT


Hi vọng qua bài viết bạn đã có khái niệm chi tiết hơn về khởi nghiệp, phân biệt rạch ròi giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Khi mà khởi nghiệp đang trở thành phong trào, nhưng không nên vì thế mà gọi tất cả doanh nghiệp là “khởi nghiệp”. Hơi hơi liên quan - là nếu bạn luôn coi tất cả AO HỒ là BIỂN, bạn sẽ bị hạn hẹp tầm nhìn và không bao giờ đóng tàu mà chỉ chú trọng đến tập bơi. Một ngày nào đó khi bạn bắt buộc phải vượt BIỂN thật sự, đó sẽ là một... thảm họa :))

Cũng mong bạn nhìn nhận được rằng có khá nhiều yếu tố khiến cho các Startup gặp phải khó khăn, đặc biệt là môi trường trong nước, bạn hãy lựa chọn cho mình con đường nào phù hợp nhất với bạn để không chơi vơi hụt hẫng ngay cả khi dự án của bạn còn chưa bắt đầu. Ít năm trở lại đây, nhà nước đã chú trọng hơn đến vấn đề khởi nghiệp và các chính sách ngày càng thông thoáng ưu tiên hơn cho doanh nghiệp trẻ. Hãy tận dụng hết khả năng lợi thế và nỗ lực không ngừng.

Bài viết dựa trên nhiều nguồn và còn nhiều thiếu sót đừng quên chia sẻ suy nghĩ của bạn bên dưới cũng như tham gia cộng đồng Blogger Việt để bàn luận nhiều hơn về vấn đề này

Không có nhận xét nào: