Post view

Tích lũy - yếu tố quan trọng nhất để thành công nhưng thường bị người ta bỏ ngỏ

Mình viết bài này khi mà vừa trải qua một chuỗi những thất bại đáng quên nhất với sự hổ thẹn và dày vò bản thân trong suốt một thời gian dài. Có lẽ tiêu đề bài viết nên sửa lại một chút vì mình chưa một lần thành công (nói quá :)), chưa đủ cả trải nghiệm và cái từ "quan trọng nhất" nghe cũng thật phản cảm. Nhưng thôi, chẳng sao cả, nó vẫn rõ nghĩa và dẫu sao thì mình nghĩ là mình thích nó.
Có thể hơi khác với những gì bạn từng được nghe, được đọc trước đó

- Thành công là ở đường đi chứ không phải đích đến
- Muốn thành công phải có mục tiêu rõ ràng, có niềm tin tuyệt đối, có chiến lược cụ thể??
- Muốn thành công phải nỗ lực không ngừng
- Muốn thành công phải dám chấp nhận thử thách
- Muốn thành công phải học hỏi người thành công.
- Phải tận dụng cơ hội
- Phải mạo hiểm...
- Phải thế này, phải thế kia.... hàng trăm thứ...

Nhưng rốt cuộc thì mình vẫn thất bại :)) (đừng hiểu nhầm khi so sánh câu này với việc có hàng ngàn người thành đạt ngoài kia nhờ áp dụng những thứ ấy bởi có hàng triệu người cũng đã làm tương tự và họ thất bại. Bạn nên thừa nhận bạn đang nằm ở số đông, điều này chẳng sao cả bởi từ một người bình thường trở nên thành công và đặc biệt mới thực sự là điều thú vị. Còn nếu bạn vẫn khăng khăng hoặc tin tưởng ai đó bảo rằng bạn là người đặc biệt thì tin mình đi, bạn đã không đọc bài viết này ngay từ những câu đầu tiên rồi... he he :)

1. Đầu tiên ta nên thống nhất hai định nghĩa


a. Tích lũy

có nghĩa là bạn xây một nhà kho, sau đó hằng ngày hoặc sau mỗi vụ mùa bạn sẽ thêm vào đó lương thực, quần áo, nhu yếu phẩm, tiền bạc... những thứ quan trọng với bạn 
Tích lũy cũng có nghĩa là bạn phải đảm bảo chúng sẽ tăng dần lên theo thời gian hay lượng sử dụng hoặc hao hụt phải thấp hơn lượng mà bạn thêm vào. Muốn nhanh đạt được như ý thì hoặc bạn phải tăng lượng thêm vào hoặc giảm lượng hao hụt đi, hoặc cả hai...

b. Thành công

có nghĩa là toại nguyện với thành quả, sống một cuộc sống như ta muốn và xứng đáng có được
Trong một cuộc thi không thể tất cả đều thắng cuộc nhưng tất cả sẽ cùng thành công thì không phải không có khả năng vì mỗi người một định nghĩa khác nhau. Nhưng nếu hài lòng với cách mà mình định nghĩa thì hi vọng những dòng mình viết tiếp theo sẽ có ý nghĩa với bạn.


2. Những người thành công tích lũy như thế nào?


a. Thomas Edison - Nhà sáng chế hàng vạn lần thất bại

Hẳn hầu hết mọi người nghĩ ông ấy thành công là nhờ sự kiên định và quyết tâm theo đuổi đến cùng? bạn có nghĩ như vậy không? 
Với cá nhân mình nghĩ đó chỉ là bề nổi và những đề tài để đồn đại và bình phẩm trong dư luận. Nếu mỗi lần thất bại ông ấy chẳng được gì ngoài việc giữ vững tinh thần chinh chiến tiếp thì con số hơn 10000 đúng là không tưởng. Đúng vậy, mỗi một thất bại Edison tích lũy cho mình được thêm kiến thức và kinh nghiệm, cộng thêm với sự đam mê và đôi khi thành công nữa sẽ giúp ông ta thêm yêu thích công việc của mình hơn điều đó lí giải hợp lí hơn cho con số kia. Hằng ngày ông ta tích lũy cho bộ não (nhà kho) những kiến thức mới mà không ai có được (lương thực), mỗi một thành công nhỏ ông ta tích lũy thêm vào bảng danh sách (nhà kho) những sáng chế của mình (lương thực) và kết quả thì ông ta là người phát minh ra bóng đèn điện làm thay đổi cả thế giới
Như vậy xét trên lĩnh vực khoa học công nghệ, ông ấy đã thành công!

b. Mark Zukerberg - Kết nối Thế giới bằng Internet

Mark là một lập trình viên tài năng, điều này ai cũng biết nhưng trong giới lập trình viên, không thể chắc chắn rằng anh ấy là người giỏi nhất và facebook hoặc một thứ tương tự mạng xã hội này, chưa chắc M là người đầu tiên nghĩ đến và triển khai ý tưởng. Vậy thì tài năng và ý tưởng chỉ là một phần.

Chắc bạn đang hỏi. Ôi dào! Vậy rốt cuộc thì anh ấy đã xây nhà kho và tích lũy lương thực như thế nào để có được một đế chế như Facebook của hiện tại phải không? Lối văn của mình vẫn còn nhiều thứ để nỗ lực, bằng chứng là mình đang viết hằng ngày để tốt hơn . Và câu chuyện về Mark, anh ấy đã dựa vào ý tưởng một trang hẹn hò trực tuyến của anh em nhà Winklevosse và website bình chọn "hot girl" - Facemash - trước đó đó của chính mình để tạo ra Thefacebook - tiền thân Facebook ngày nay - với tính năng kết bạn thật hoàn hảo (đó chính là nhà kho của anh ấy). Vậy Zurk đã tích lũy ra sao để có được một số lượng người dùng Facebook khủng khiếp như vậy? Đúng vậy, với việc không mất một đồng cho quảng cáo "vụ mùa" đầu tiên của anh ấy đã bội thu rực rỡ khi hơn nửa số sinh viên trường Harvard đăng kí Thefacebook trong vòng một tháng. Để tiếp tục thêm vào "nhà kho" của mình, anh ta mở rộng địa bàn sang các trường lân cận rồi toàn Mỹ, Canada và nhanh chong lan ra khắp thế giới. Không dừng lại ở đó, hầu hết các tính năng mà Facebook cập nhật đều cuốn hút người dùng để họ không muốn rời Facebook khi mà ý tưởng sẽ nhanh chóng được coppy mà nút Like (2009) là một bước ngoặt (lượng hao hụt thấp hơn lượng thêm vào trong kho :)). Một số tính năng khác như tag tên, share trên web, gửi lời mời qua mail... lại đóng vai trò lôi kéo người dùng đăng kí mới... điều này làm cho con số thành viên không ngừng tăng lên phá vỡ mọi kỉ lục... mà bất cứ ai cũng phải ao ước...

c. Thế còn những người khác?

Không có nhiều khoảng không để viết tiếp, nhưng bạn hãy thử lấy một cái tên một người bất kì mà bạn biết đến, một lĩnh vực bất kì mà bạn am hiểu để xem xét và điều thú vị nhất là bạn đều có thể phân tích được họ đã tích lũy những gì, và làm như thế nào để tích lũy.

Mình nói như vậy vì muốn nhấn mạnh rằng "tích lũy" là một yếu tố rất quan trọng và thực sự nó dễ đến nỗi ai cũng có thể thực hiện được, thậm chí nó vẫn đang diễn ra hằng ngày bên trong bạn một cách vô thức nhất, nhưng chỉ khi bạn thấy được lợi ích của nó, chú tâm đến nó bạn mới thực sự nhìn thấy được sự rõ ràng hơn bao giờ hết về lộ trình cho một "nhà kho đầy ắp lương thực".

 Một ca sĩ tích lũy Fan hâm mộ bằng những bài hát hay mới lạ, một học sinh tích lũy kiến thức bằng việc làm nhiều bài tập khó, đọc nhiều sách hay, một bà mẹ tích lũy những lời hay ý đẹp cho con cái, làm tấm gương chăm chỉ, kỉ luật cho chúng hằng ngày, một cô gái xa quê có thể tích lũy những cuộc gọi, lời hỏi thăm, động viên người thân, gia đình... ai cũng có thể tích lũy, và tích lũy bất kì thứ gì bạn "cần có" để thành công

d. Còn mình thì sao?

Châm biếm thật, mình đã nhận ra điều này sau khi trải qua nhiều thất bại liên tiếp trong học hành, công việc, bạn bè và đặc biệt là cả gia đình nữa...
Có những môn học nhẽ ra phải đặt được điểm số cao một cách dễ dàng thì mình không thực sự dành thời gian cho nó.
Có những người bạn thân thiết từ hồi năm đầu đại học, mình dành rất nhiều thời gian cho bạn bè, nhưng cuối cùng thì ai cũng sẽ có những con đường khác nhau, chỉ ít lâu không còn liên lạc là câu chuyện trở nên thật tồi tệ.
Có những lúc kiếm được kha khá tiền từ việc làm thêm rồi kinh doanh, nhưng bây giờ thì chỉ còn lại một đống nợ nần...
Vậy đấy, mình quá lười biếng để thêm vào nhiều hơn. Quá liều lĩnh, bồng bột để lượng hao hụt trở nên mất kiểm soát, tất nhiên chuyện thất bại đến là điều hiển nhiên

Mất một khoảng thời gian khá dài, mình hoang mang không biết tại sao bỗng nhiên mọi thứ lại trở nên tồi tệ như vậy. Cuối cùng thì mình cũng nhận ra được vấn đề nằm ở chỗ mình không biết đâu mới là cái nhà kho của mình, và cái nhà nào là quan trọng nhất. Thế là thay vì tích lũy, mình đã tiêu hoặc lãng phí hết sạch những gì mình kiếm được

Ý tưởng về viết Blog và tìm kiếm các bạn có cũng đam mê viết lách có lẽ chính là cách mà mình đang tự xây nhà kho vậy. Mỗi ngày mình cố gắng tìm hiểu thêm một lượng kiến thức, thêm vào Blog một bài viết mới, mỗi tuần thêm một giao diện mới, mỗi tháng có thêm những đọc giả mới, những người bạn mới - đó chính là cách mình tích lũy. Và thay vì loay hoay không biết phải làm gì, mình đang xây dựng cho mình một cái gì đó để phát triển. Những bài viết đầu tiên có thể rất ngô nghê, những giao diện đầu tiên có thể sẽ chưa được đẹp mắt, nhưng không sao, chúng vẫn còn đó và không mất đi đâu cả và chúng sẽ tốt dẫn lên mỗi khi nhìn lại.


3. Tích lũy những gì và tích lũy như thế nào?


a. Phân biệt những thứ bạn MUỐN và những thứ bạn CẦN

Những gì bạn muốn là những gì mà bạn sẽ đạt được khi thành công, còn những gì bạn cần là những gì mà bạn sẽ phải làm để đạt được thành công.

Hãy xem ví dụ sau đây:

Nếu bạn nói rằng MUỐN có một tấm bằng ra trường vào loại ưu chẳng hạn vậy thì đó là điều mà bạn sẽ đạt được khi thành công. Còn nếu bạn nói bạn CẦN phải có một tấm bằng tốt ra trường, thì việc đạt được bằng giỏi sẽ phục vụ cho một mục tiêu khác, có thể là để có một công việc lương cao chẳng hạn - có nghĩa là lúc này tốt nghiệp giỏi với bạn chỉ là một bước để đi đến thành công mà thôi, nó chưa phải là thành công.

b. Tích lũy những gì?

Tại sao ở trên phải phân biệt rạch ròi như vậy? Vì nó liên quan rất nhiều đến việc xây nhà kho và tích lũy của bạn. Vì bạn chỉ tích lũy những thứ bạn cần đừng nhầm với những gì bạn muốn. Nếu bạn MUỐN có bằng tốt nghiệp giỏi, vậy thì những thứ cần tích lũy sẽ là những con điểm cao ở tất cả các môn. Còn nếu bạn muốn có một công việc lương cao thì lúc này bằng giỏi sẽ là một trong những thứ mà bạn cần tích lũy, ngoài ra có thể kể đến như là kiến thức chuyên môn, kĩ năng, kinh nghiệm.... phải không ak

c. Tích lũy như thế nào?

Bằng việc chia nhỏ và sắp xếp hợp lí khoa học ta sẽ xây dựng cho mình một lộ trình chính xác nhất để bắt đầu tích lũy sao cho lượng thêm vào là tối đa nhất và lượng hao hụt đi là tối thiểu nhất

Hãy viết ra giấy những gì cần đạt được và sắp xếp chúng lại theo tư duy của bạn, ví dụ như tiếng anh là thứ cực kì quan trọng với một sinh viên kĩ thuật chẳng hạn, hãy cố gắng để đưa việc học tiếng anh lên đầu danh sách nhất có thể, sớm ngày nào hay ngày đó. Đặc biệt, trong quá trình học tập bạn sử dụng tiếng anh nhiều thì nó sẽ không bị hao hụt đi. Để làm được điều này tất nhiên bạn cũng phải nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên điều mình muốn nói ở đây là bạn sẽ hiểu bạn đang làm gì, và vì sao bạn cần phải làm vậy, mỗi việc bạn làm đều mang lại một bước tiến để đạt được thành công trong tương lai.




Không có nhận xét nào: